Trong thập kỷ qua, Bitcoin đã nổi lên như một biểu tượng của sự đổi mới trong tài chính toàn cầu. Không chỉ đơn thuần là một loại tiền tệ kỹ thuật số, Bitcoin còn là một cuộc cách mạng về cách con người nhìn nhận về tiền tệ và giá trị trong thời đại kỹ thuật số. Trong bài viết này, Daily84 sẽ cùng các bạn tìm hiểu về Bitcoin, cách nó hoạt động, và tại sao nó lại trở thành tâm điểm của cả những nhà đầu tư và các chính phủ trên thế giới.
Bitcoin là gì?
Bitcoin (BTC) là một loại tiền mã hóa (cryptocurrency) được tạo ra vào năm 2009 bởi một cá nhân hoặc nhóm người ẩn danh với bí danh Satoshi Nakamoto. Đây là đồng tiền kỹ thuật số phi tập trung đầu tiên, không chịu sự kiểm soát của chính phủ, ngân hàng trung ương hoặc bất kỳ tổ chức trung gian nào. Bitcoin cho phép người dùng thực hiện giao dịch trực tiếp với nhau qua mạng internet mà không cần bên trung gian.
Bitcoin dựa trên công nghệ blockchain, là một sổ cái phân tán ghi lại tất cả các giao dịch. Mỗi giao dịch được xác nhận và bảo mật bởi các nút mạng thông qua quá trình gọi là “đào” (mining), và một khi đã được ghi vào blockchain, nó không thể thay đổi.
Lược sử Bitcoin
Giai đoạn sơ khai (1976-2008): Những nền tảng ban đầu
- 1976: Whitfield Diffie và Martin E. Hellman giới thiệu mật mã khóa công khai, mở đường cho việc bảo mật giao dịch tiền mã hoá.
- 1989: David Chaum phát triển DigiCash, hệ thống thanh toán kỹ thuật số ẩn danh, tiền thân của Bitcoin.
- 18/8/2008: Tên miền “Bitcoin.org” được đăng ký bởi một cá nhân ẩn danh, được cho là Satoshi Nakamoto.
- 31/10/2008: Satoshi Nakamoto công bố Bitcoin Whitepaper, mô tả một hệ thống tiền kỹ thuật số phi tập trung dựa trên blockchain.
Giai đoạn hình thành và phát triển (2009-2016): Từ ý tưởng đến hiện thực
- 3/1/2009: Satoshi khai thác khối đầu tiên, “Genesis Block,” đánh dấu sự khởi đầu của mạng lưới Bitcoin.
- 12/1/2009: Giao dịch Bitcoin đầu tiên được thực hiện giữa Satoshi Nakamoto và Hal Finney.
- 22/5/2010: Laszlo Hanyecz mua hai chiếc pizza với 10.000 Bitcoin, lần đầu tiên sử dụng Bitcoin trong thương mại.
- 18/7/2010: Sàn giao dịch Mt. Gox ra đời, giúp trao đổi Bitcoin và tiền pháp định dễ dàng.
- 28/11/2012: Bitcoin Halving đầu tiên, giảm phần thưởng khối từ 50 Bitcoin xuống còn 25 Bitcoin.
- 25/2/2014: Mt. Gox phá sản sau khi bị tấn công, mất 850.000 Bitcoin, gây sốc cho cộng đồng.
- 14/1/2016: Lightning Network whitepaper ra đời, nhằm giải quyết vấn đề mở rộng quy mô của Bitcoin.
Giai đoạn bùng nổ và thách thức (2017-nay): Khẳng định vị thế và đối mặt với biến động
- 1/8/2017: Bitcoin Cash hard fork từ Bitcoin do tranh cãi về tốc độ giao dịch.
- Tháng 1/2021: Stacks, một layer của Bitcoin, giới thiệu hợp đồng thông minh cho Bitcoin.
- 19/1/2021: Giá Bitcoin vượt mức 54.000 USD, đẩy vốn hóa lên 1 nghìn tỷ USD.
- 7/9/2021: El Salvador công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp, đánh dấu một bước tiến quan trọng.
- 8/3/2023: Tiêu chuẩn token BRC-20 ra đời, mở rộng các ứng dụng trên blockchain Bitcoin.
Điểm đặc biệt của Bitcoin
– Phi tập trung (Decentralization): Bitcoin được thiết kế để hoạt động không phụ thuộc vào bên thứ ba, như ngân hàng hoặc chính phủ. Mạng lưới của nó dựa trên sự tham gia của hàng ngàn máy tính (nút) trên toàn cầu, do đó không ai có thể can thiệp hoặc kiểm soát hệ thống.
– Công nghệ Blockchain: Bitcoin sử dụng blockchain, một sổ cái công khai và phân tán để ghi lại mọi giao dịch. Mỗi giao dịch được mã hóa và gắn vào một khối (block), sau đó kết nối với các khối trước đó, tạo thành một chuỗi liên tục và không thể thay đổi, đảm bảo tính minh bạch và bảo mật.
– Lượng cung giới hạn: Tổng số lượng Bitcoin được giới hạn ở 21 triệu đồng, không thể phát hành thêm. Điều này làm cho Bitcoin trở nên khan hiếm và tạo ra sức ép tăng giá theo thời gian, giống như vàng trong thế giới vật lý.
– Tính ẩn danh tương đối: Bitcoin cho phép giao dịch mà không cần tiết lộ danh tính cá nhân. Tuy nhiên, vì tất cả các giao dịch đều được ghi lại trên blockchain, nên danh tính có thể bị lần theo nếu người dùng tiết lộ địa chỉ ví của mình.
– Tính minh bạch: Mọi giao dịch Bitcoin đều được ghi lại công khai trên blockchain, bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của chúng. Điều này giúp giảm thiểu gian lận và tăng tính tin cậy.
– Tính bất biến: Một khi giao dịch được ghi vào blockchain và xác nhận, nó không thể bị thay đổi hoặc đảo ngược. Điều này giúp bảo vệ người dùng khỏi việc giao dịch bị thao túng hoặc đảo ngược không mong muốn.
– Bảo mật :Bitcoin sử dụng mật mã học mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu và tài sản. Việc bảo mật dựa trên thuật toán mã hóa và quy trình đồng thuận trong mạng lưới, khiến Bitcoin trở thành một trong những hệ thống an toàn nhất.
– Kiểm soát bởi người dùng: Chỉ người sở hữu khóa riêng tư (private key) mới có thể truy cập và quản lý Bitcoin trong ví của mình. Không ai có thể can thiệp hoặc kiểm soát tài sản Bitcoin của người dùng trừ khi có khóa này.
– Trung lập và không thiên vị: Bitcoin hoạt động trên một giao thức mã nguồn mở và không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân, công ty, hay chính phủ nào. Điều này đảm bảo tính trung lập của hệ thống.
– Không thể làm giả: Với cơ chế blockchain và quá trình xác thực giao dịch, Bitcoin ngăn chặn việc làm giả hoặc chi tiêu hai lần (double-spending), giúp bảo vệ giá trị của đồng tiền.
– Không thuộc PCI: Bitcoin không tuân theo các quy định của ngành công nghiệp thẻ thanh toán (PCI), giúp người dùng tự do hơn trong việc giao dịch mà không phải tuân thủ các quy tắc về bảo mật thẻ tín dụng, tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp.
Cách thức hoạt động của Bitcoin
Mô hình Proof of Work (PoW) của Bitcoin là cơ chế đồng thuận thiết yếu giúp xác minh và ghi nhận giao dịch trên blockchain. Khi người dùng thực hiện một giao dịch Bitcoin, thông tin liên quan, bao gồm địa chỉ ví người gửi, ví người nhận và số lượng Bitcoin, được phát tán đến toàn mạng lưới Bitcoin.
Các nút (node) trong mạng lưới sau đó tiếp nhận thông tin giao dịch và kiểm tra tính hợp lệ của nó, đảm bảo rằng chữ ký số hợp lệ và người gửi có đủ số dư để thực hiện giao dịch. Những giao dịch hợp lệ sẽ được nhóm lại thành một khối giao dịch mới, và các thợ đào (miner) sẽ tham gia vào việc giải quyết một bài toán mật mã phức tạp liên quan đến khối này.
Thợ đào sử dụng sức mạnh tính toán để giải bài toán PoW, tức là tìm ra một mã băm (hash) phù hợp. Quá trình này yêu cầu thử nhiều giá trị khác nhau cho đến khi đạt được kết quả hợp lệ. Thợ đào đầu tiên giải được bài toán sẽ phát sóng khối đã được giải đến toàn mạng lưới. Các nút khác xác minh tính hợp lệ của khối và thêm nó vào blockchain của họ, khối mới này sẽ chứa tất cả các giao dịch đã được xác minh.
Người thợ đào giải quyết bài toán PoW thành công sẽ nhận phần thưởng, bao gồm Bitcoin mới được tạo ra và phí giao dịch từ các giao dịch trong khối. Phần thưởng này giảm dần qua mỗi kỳ “halving” khoảng 4 năm. Sau khi khối mới được thêm vào blockchain, toàn mạng lưới cập nhật và đồng bộ hóa bản sao của blockchain để phản ánh các khối mới.
Rủi ro khi đầu tư Bitcoin
– Rủi ro pháp lý: Tính hợp pháp và thanh khoản của Bitcoin còn mơ hồ do thiếu khung pháp lý thống nhất. Tại Hoa Kỳ, Bitcoin không được coi là chứng khoán, nhưng điều này có thể thay đổi. Ở Việt Nam, vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng cho tiền mã hóa, vì vậy giao dịch Bitcoin hiện không bị đánh thuế.
– Rủi ro bảo mật: Các sàn giao dịch tiền mã hóa như Binance và OKX có thể bị tấn công, gây mất mát tài sản của người dùng. Đối với việc lưu trữ trên ví cá nhân, người dùng phải tự bảo vệ private key, vì mất key đồng nghĩa với việc mất toàn bộ tài sản.
– Rủi ro thị trường: Bitcoin có biến động giá rất mạnh, khiến nhà đầu tư có thể chịu thiệt hại lớn. Ví dụ, giá Bitcoin đã biến động mạnh vào đầu năm 2024, tăng vọt do kỳ vọng về Bitcoin Spot ETF, sau đó giảm xuống dưới 30.000 USD trước khi tăng trở lại vào tháng 2.
Tổng kết
Thông qua bài viết trên của Daily84, các bạn đã phần nào có cái nhìn tổng quan về Bitcoin. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn đầu tư thành công.
Lưu ý: Những thông tin và nội dung trên không phải là những lời khuyên đầu tư. Daily84 không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn. Chúc các bạn thành công và kiếm được thật nhiều lợi nhuận từ thị trường tiềm năng này!