Phân loại tài sản số, tài sản ảo và tài sản mã hóa theo khung pháp lý từ Chính phủ Việt Nam
Theo dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chính phủ sẽ phân loại tài sản số, tài sản mã hóa dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác để quản lý. Cùng Daily84 làm rõ về các khái niệm thông qua bài viết dưới đây!
Định nghĩa “Tài sản số, tài sản ảo và tài sản mã hoá”
Sáng ngày 06/01/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Nhằm làm rõ cách phân loại tài sản số để chuẩn bị cho áp dụng khung pháp lý cụ thể.
Dự luật định nghĩa tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.
Tài sản ảo là một loại tài sản số được giao dịch hoặc chuyển giao và có thể được dùng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định pháp luật
Trong khi đó, tài sản mã hóa là tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự.
Cách phân loại mới này đã có sự điều chỉnh so với dự thảo từ Luật Công nghiệp công nghệ số được thảo luận trước Quốc hội trong kỳ họp diễn ra vào tháng 11 năm ngoái khi công nhận thêm khái niệm “tài sản mã hóa” với đặc trưng là có nền tảng công nghệ là blockchain, phân biệt rõ với tài sản số và tài sản ảo.
Các mốc thời gian hoàn thiện khung pháp lý
Vào tháng 02/2024, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này. Với mục tiêu thoát khỏi danh sách xám của FATF trong tháng 5/2025, Việc này nhằm hạn chế rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này, chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng liên quan về khung pháp lý.
Theo báo cáo tháng 09/2024 của Chainalysis, Việt Nam là quốc gia 3 năm liên tục nằm trong top 5 các nước có mức độ tiếp nhận tiền mã hóa hàng đầu thế giới, với lợi nhuận trong năm 2023 lên đến 1,2 tỷ USD.
Trước đó, vào tháng 10/2024, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đề ra mục tiêu hình thành hạ tầng blockchain trong nước và đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực về ứng dụng công nghệ chuỗi khối.
Trình Quốc hội Luật về quản lý tài sản mã hóa
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Lê Quang Huy, đại diện cơ quan thẩm tra, đánh giá tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng. Hiện tại trên thế giới, loại tài sản này cũng chưa có khung pháp lý đầy đủ và vẫn còn có những quan điểm khác nhau giữa các quốc gia.
Do đó, dự luật hướng đến quy định khung về khái niệm, phân loại tài sản số dựa theo mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét sửa Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán để phù hợp với quy định về tài sản số trong dự thảo mới sắp được ban hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình đây là vấn đề phức tạp, quốc tế cũng chưa có quy định thống nhất. Lấy ví dụ về Bitcoin, ông Thanh nói Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở pháp lý cho vấn đề này. Thực tế, người dân đang sử dụng Bitcoin để giao dịch. Vì vậy, ông lưu ý quản lý các loại tài sản này cần phù hợp với quy định trong Luật Phòng chống rửa tiền đang được soạn thảo.
“Có chuyện mua Bitcoin ở Việt Nam nhưng ra nước ngoài giao dịch, đổi lấy đồng tiền khác. Đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu kỹ phạm vi điều chỉnh có bao quát không, phạm vi pháp lý đến đâu”, ông nói.
Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum… được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về tương đương gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.