
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC) và Cơ quan Quản lý Tiền tệ Sigapore (MAS) gặp mặt trao đổi kinh nghiệm, xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý tài sản số tại Việt Nam.
Hãy cùng Daily84 tìm hiểu về thỏa thuận hợp tác giữa hai nước trong bài viết dưới đây.
Nội dung ý định thư hợp tác (LOI)
Vào ngày 12/3, Việt Nam và Singapore đã ký kết Ý định thư hợp tác (LOI) để tăng cường giám sát thị trường vốn và quản lý tài sản số, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát triển khung pháp lý phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Thỏa thuận này được thực hiện giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC) và Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Singapore từ ngày 11-13/3, với sự chứng kiến của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong.
Theo nội dung LOI, hai cơ quan sẽ trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về:
- Xây dựng khung pháp lý về tài sản số, hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế
- Giám sát thị trường vốn, đảm bảo sự phát triển minh bạch và bền vững
- Trao đổi kinh nghiệm trong phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính
Ông Lim Tuang Lee, Phó Tổng Giám đốc (Khối Thị Trường Vốn) của MAS, cho biết Singapore và Việt Nam có quan hệ đối tác sâu rộng trên thị trường vốn, được củng cố thông qua các cam kết song phương và hợp tác tại các diễn đàn khu vực, quốc tế.
Việc ký kết Ý định thư hợp tác là minh chứng cho cam kết của MAS trong việc hỗ trợ lẫn nhau, nhằm bảo vệ tính toàn vẹn và ổn định của thị trường vốn, đồng thời thúc đẩy sự kết nối xuyên biên giới.
Về phía Việt Nam, bà Vũ Thị Chân Phương, , Chủ tịch SSC, đã chia sẻ rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Singapore đã được nâng tầm là Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong đó các hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và đầu tư đang ngày càng phát triển, chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Việt Nam ráo riết hoàn thiện khung pháp lý
Cuối tháng 2, Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất nghiên cứu áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) để thành lập sàn giao dịch tài sản số tại Việt Nam.
Đầu tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi xác nhận sẽ trình Chính phủ khung pháp lý cho tiền số, bao gồm thí điểm sàn giao dịch.
Tại phiên họp Chính phủ ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện đề xuất khung pháp lý ngay trong tháng này.
Theo kế hoạch, sàn giao dịch sẽ được Nhà nước cấp phép và giám sát, cho phép doanh nghiệp phát hành tài sản số để huy động vốn.
Theo dữ liệu từ Chainalysis, dòng vốn blockchain vào Việt Nam trong 2023-2024 vượt 105 tỷ USD, với lợi nhuận gần 1,2 tỷ USD trong năm 2023. Báo cáo từ Triple-A cho thấy có hơn 17 triệu người Việt sở hữu tài sản mã hóa, chiếm 17%, xếp thứ 7 toàn cầu.
Việc thiếu khung pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp chọn đăng ký tại Singapore và Mỹ, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh, thất thu thuế và rủi ro cho người dùng do thiếu minh bạch.
Singapore nỗ lực phát triển tài sản số
Singapore đang xây dựng trung tâm tài sản số để cạnh tranh với Hong Kong. Hai quốc gia này lôi kéo các công ty trong ngành qua chính sách đặc biệt, các dự án token hóa và sandbox.
Năm 2023, Singapore đã cấp 13 giấy phép cho doanh nghiệp tài sản số như OKX, Upbit, Anchorage, BitGo và GRS. Đến tháng 11/2024, MAS sẽ triển khai hai sáng kiến Project Guardian và Global Layer 1 để thúc đẩy thương mại hóa token hóa tài sản.
❗️ Disclaimer: Bài viết này chỉ mang tính chất cung cấp thông tin, không phải là lời khuyên đầu tư, mọi tổ chức hay cá nhân tự chịu trách nhiệm với mọi quyết định và tài sản của chính mình. Nhà đầu tư cần tự tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định, chúc các bạn thành công!